Vỡ tá tràng là một bệnh lý ít gặp trong chấn thương bụng kín với tỷ lệ khoảng 3-5%.
Tá tràng là phần đầu của ruột non, có chiều dài khoảng 25cm, kéo dài từ môn vị của dạ dày đến góc tá tràng – hỗng tràng. Tá tràng là một phần rất quan trọng trong hệ tiêu hóa vì là nơi dịch tụy và dịch mật đổ vào tại nhú tá lớn và nhú tá bé trên tá tràng.
Đặc biệt là nơi đoạn tá tràng xuống (D2) - là thành phần dính chặt với tụy, đây chính là nơi có nhú tá lớn và bé, là lỗ đổ của dịch tụy và dịch mật. Chính vì vậy, khi vị trí này bị tổn thương, sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Mặt khác, việc chẩn đoán và khâu xử trí ban đầu khi vỡ tá tràng thường gặp nhiều khó khăn.
Do tá tràng nằm sau phúc mạc, vắt ngang cột sống nên lực làm vỡ tá tràng phải rất lớn, vì vậy tổn thương tá tràng thường đi kèm với tổn thương các tạng khác trong ổ bụng. Chính triệu chứng của các tổn thương đi kèm tại bụng hoặc ngoài bụng như: viêm phúc mạc, chảy máu ổ bụng, chấn thương sọ não…làm che lấp triệu chứng của tổn thương tá tràng. Ngay cả khi tổn thương tá tràng đơn độc có khi cũng phải mất nhiều thời gian để dịch tá tràng chảy vào ổ bụng gây viêm phúc mạc thì triệu chứng mới rõ. Với những lý do trên, khiến cho tổn thương tá tràng thường chỉ được phát hiện trong lúc mổ, thậm chí có thể bỏ sót tổn thương trong mổ.
“Một lưu ý khác, tá tràng là nơi luân chuyển một lượng dịch rất lớn của đường tiêu hoá trên (khoảng 10 lít dịch đi qua tá tràng trong 24 giờ, không kể đến lượng dịch và thức ăn đưa vào hàng ngày, chủ yếu là dịch dạ dày, dịch tuỵ, dịch mật …). Thêm nữa, tá tràng là nơi khởi đầu của quá trình tiêu hoá thức ăn do sự có mặt của men tuỵ hoạt hoá, do đó thương tổn của tá tràng rất khó liền vì có sự cản trở lành vết thương của các yếu tố nói trên, nên dễ rò hoặc bục miệng nối sau mổ.”
|
Nguồn tin: Minh Anh
Ý kiến khác