Khớp vai cũng là khớp được sử dụng nhiều trong suốt đời người, đây cũng chính là điểm làm cho chóp xoay dễ bị viêm hay đứt. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm hay đứt chóp xoay, bao gồm lớn tuổi gây thoái hóa gân, tình trạng thiếu máu nuôi gân và do sử dụng quá mức khớp vai.
Bệnh biểu hiện như thế nào?
Bệnh hay xảy ra trên những người tuổi trên 40 (ước tính có khoảng từ 15-40% những người trên 40 bị bệnh này). Triệu chứng đầu tiên là đau ở vùng vai. Cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ (làm dễ chẩn đoán làm với thoái hóa cột sống cổ), lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng khuỷu tay. Đau vào đêm khuya, đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Cảm giác yếu, mỏi cánh tay khi nhấc tay và khi làm việc với cánh tay tư thế dạng. Bệnh lâu ngày dẫn tới rách lớn chóp xoay làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu sẽ có một cung đau ( tức là ở một giai đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau ), rách nặng hơn làm bệnh nhân không giơ tay lên được, hay khi giơ tay lên được thì khi hạ xuống, tay sẽ bị rớt đột ngột mà không thể giữ lại được.
Làm sao để chẩn đoán?
Khi bệnh nhân đi khám bệnh các bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp khám đặc biệt để phát hiện gân bị viêm hay rách. Và để chẩn đoán xác định, có các xét nghiệm cận lâm sàng như: chụp X quang, siêu âm, MRI, đo điện cơ, CT...
Làm gì khi bị viêm hay rách chóp xoay?
Tùy thuộc tình trạng viêm hay rách chóp xoay, rách lớn hay nhỏ, tuổi bệnh nhân mà sẽ có những chiến lược điều trị khác nhau. Thông thường bắt đầu bằng sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau và thuốc giãn cơ, kèm theo là vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Tiêm corticoid vào khớp vai cũng là một phương pháp điều trị nhưng phải rất cẩn thận vì nếu bị nhiễm trùng sẽ rất tai hại.
Trong trường hợp uống thuốc không bớt hoặc chóp xoay bị rách thì phương án tiếp theo sẽ là mổ khâu lại gân. Có nhiều phương pháp mổ nhưng hiện tại đa số áp dụng phương pháp mổ nội soi. Phương pháp nội soi cho kết quả tương đương mổ mở nhưng làm giảm thiểu tình trạng tổn thương cơ xung quanh, thời gian hồi phục nhanh hơn. Vết mổ nhỏ hơn, ít đau sau mổ. Sau khi mổ xong bệnh nhân cần được hạn chế cử động tay trong khoảng thời gian ít nhất là 3-6 tuần để gân lành và sau đó là chương trình tập vật lý trị liệu để phục hồi tầm hoạt động cho khớp vai.
Làm gì để hạn chế chóp xoay rách?
Đừng nên coi thường những cơn đau vai, dấu hiệu đau đầu tiên có thể là tình trạng viêm, nếu cố gắng hoạt động để hy vọng vượt qua cơn đau mà không được điều trị, sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn dẫn đến rách gân. Điều trị thuốc sớm và nghỉ ngơi ở giai đoạn viêm có thể hạn chế tình trạng rách gân. Một khi gân đã bị rách thì việc mổ khâu lại sớm sẽ có kết quả tốt hơn, giá thành thấp hơn do dùng ít chỉ khâu hơn và tất nhiên bệnh nhân sẽ có thời gian phục hồi nhanh hơn.
Nguồn tin: Minh Anh tổng hợp
Ý kiến khác