Mặc dù không thường gặp như thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể, một loại bệnh “không phải dạng vừa” trong số bệnh lý thoái hóa khớp.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp háng rất đa dạng, trong đó thoái hóa nguyên phát chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 50%), gặp chủ yếu ở người cao tuổi. Thoái hóa khớp háng thứ phát bao gồm: tiền sử khớp háng bị viêm, do chấn thương khớp háng, gãy cổ xương đùi, trật khớp háng , hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi giai đoạn muộn…. Một số trường hợp thoái hóa khớp háng là do bẩm sinh đã có cấu tạo bất thường ở khớp háng hoặc chi dưới. Ngoài ra, thoái hóa khớp háng còn ảnh hưởng của yếu tố giới tính: tùy vị trí khớp mà sự khác biệt về giới cũng khác nhau; trong khi thoái hóa khớp gối, bàn tay, cột sống thường gặp ở nữ hơn nam giới, thì trong thoái hóa khớp háng nam giới chiếm ưu thế hơn một chút so với nữ. Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Triệu chứng
Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh đi lại khó khăn do khớp háng phải chống, chịu trọng lực của cơ thể. Đau là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh lý này. Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng lên khi cử động hay đứng lâu và thường đi khập khiễng, cần gậy hỗ trợ. Người bệnh cảm thấy thường xuyên mỏi và tê cứng khi vận động, đi bộ hoặc co, duỗi khớp háng. Bệnh nhân thấy khó khăn khi cúi người để mang vớ, buộc dây giày, cắt móng chân.
Giai đoạn tiếp theo là xuất hiện những cơn đau nhói mỗi khi vận động xoay người, gập người hoặc dạng háng, nhưng khi nghỉ ngơi sẽ hết đau. Ở giai đoạn muộn hơn, đau có thể xuất hiện ngay cả khi ít vận động và cuối cùng người bệnh đau cả lúc nghỉ và vào ban đêm, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa.
Cuối cùng, người bệnh không thể đi lại do chỏm xương đùi và ổ cối biến dạng, các gai xương bám đầy quanh khớp, khớp mất vận động.
Điều trị
Bệnh thoái hóa khớp háng mức độ nhẹ, ở giai đoạn sớm có thể điều trị nội khoa, kết hợp với việc giảm cân, hạn chế đi bộ, dùng gậy hỗ trợ ( nếu đau nhiều), tập vật lý trị liệu.
Điều trị ngoại khoa khi tình trạng thoái hóa khớp háng đã ở giai đoạn nặng, bệnh nhân đau cả khi nghỉ ngơi, vào ban đêm, hoặc trên phim X-quang chỏm xương đùi và ổ cối đã biến dạng.
Mục đích của phương pháp điều trị ngoại khoa là giúp bệnh nhân giảm đau và cải thiện chức năng vận động khớp háng cho bệnh nhân. Có hai phương pháp phẫu thuật điều trị thoái hóa khớp háng đó là:
Đục xương, sửa trục xương đùi, khung chậu, ghép xương ổ cối. Phương pháp này được chỉ định trong các trường hợp thoái hóa khớp háng giai đoạn sớm do nguyên nhân trật khớp háng hoặc thiểu sản.
Thay khớp háng toàn phần, bán phần. Chỉ định thay khớp háng với các trường hợp thoái hóa khớp háng nặng, khiến cho bệnh nhân đau nhiều và thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi.
Tập phục hồi chức năng sau thay khớp háng đóng vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân sớm lấy lại biên độ vận động khớp, sớm phục hồi tình trạng teo cơ hoặc tránh teo cơ.
Lời khuyên của bác sĩ
Ngoài vấn đề liên quan đến yếu tố tuổi tác, di truyền, để phòng ngừa thoái hóa khớp háng, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý, lên kế hoạch giảm cân an toàn nếu đang bị thừa cân, béo phì. Tập làm mạnh cơ vùng mông đùi để hỗ trợ cho khớp háng, đồng thời hạn chế những hoạt động mạnh, quá sức không tốt cho khớp háng. Nếu mắc bệnh viêm khớp, chấn thương hoặc tật bẩm sinh khớp háng, người bệnh nên tích cực điều trị càng sớm càng tốt, sẽ giúp hạn chế thoái hóa khớp háng lúc về già. Chú ý việc dùng thuốc giảm đau, kháng viêm trong điều trị. Không lạm dụng thuốc có corticoide, phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Song song đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý là cách tốt nhất để điều trị cũng như ngăn ngừa thoái hóa khớp háng.
Các bài viết về bệnh lý cơ xương khớp có thể bạn quan tâm
Để được tư vấn và hỗ trợ khám chuyên khoa cơ xương khớp, Quý khách vui lòng liên hệ:
cá độ online
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.biggben.com
Fb:
Youtube:
Nguồn tin: BVQT Minh Anh tổng hợp
Ý kiến khác