PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam-Cố vấn BV quốc tế Minh Anh, cho biết: Khi tuyến giáp suy yếu thì sẽ kéo theo các hoạt động của tuyến giáp đều suy giảm. Thầy thuốc gọi đây là bệnh suy giáp. Bệnh suy giáp thường là bẩm sinh, có khi là mắc phải do bướu giáp lớn chèn ép mô tuyến giáp lành, hay sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp để điều trị ung thư tuyến giáp. Bệnh nhân thường bị béo phì, ớn lạnh cơ thể, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, giảm khả năng tình dục.
Tuyến giáp cũng có thể bị rối loạn do chứng Hashimoto. Đây là bệnh viêm tuyến giáp vô cùng nguy hiểm do hệ thống miễn dịch tự tấn công tuyến giáp, khiến tuyến giáp không thể sản xuất hormone, bệnh này có tính di truyền. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là một dạng bệnh tự miễn của tuyến giáp. Bệnh này có thể phát triển thành bướu giáp. Những mô tuyến giáp trong bệnh này rất cứng, có nhiều mạch máu, đụng vào là chảy máu. Bệnh có thể gây ra hội chứng cường giáp hay suy tuyến giáp tùy thể loại. Bệnh rất khó điều trị, nhiều khi - ngoài các phương pháp sử dụng hormone tuyến giáp đối với bệnh nhân suy giáp hay thuốc chống cường giáp khi bệnh nhân có hội chứng cường giáp… còn phải sử dụng thêm các loại thuốc ức chế miễn dịch và nhất là phải sử dụng corticoid trong thời gian dài, với rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, bệnh này có gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi hay không thì còn nhiều tranh cãi và các nhà khoa học cũng chưa kết luận một cách chính thức.
Tuyến giáp bị rối loạn, không chỉ đến từ nguyên nhân suy giáp mà còn có thể xuất phát từ cường giáp. Ngoài các triệu chứng lâm sàng chỉ điểm về suy giáp như đã nói ở phần trên, các triệu chứng của hội chứng cường giáp thường thấy là bệnh nhân hay hồi hộp, tim đập nhanh, sụt cân nhanh mặc dù ăn uống khá nhiều, hay đổ mồ hôi, da khô, lông dễ rụng, tay run nhẹ, mất ngủ v.v… Cũng rất khó có thể xác định cụ thể đối tượng nào dễ bị cường giáp, đối tượng nào dễ bị suy giáp. Nhưng cường giáp thường được ghi nhận trên phụ nữ có bướu tuyến giáp nhiều hơn, trong đó yếu tố gia đình cũng là một đặc điểm để nhận diện. Ví dụ con gái trong gia đình có mẹ hay chị gái bị bệnh cường giáp thì thường có tần suất mắc bệnh này cao hơn.
Nếu không chữa trị, suy tuyến giáp có thể dẫn đến các hệ luỵ như: làm tăng lượng cholesterol trong máu và khiến nạn nhân có nguy cơ bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp nặng, sự thiếu hụt hormone trầm trọng có thể khiến người bệnh bất tỉnh và thân nhiệt giảm ở mức nguy hiểm đến tính mạng. Còn với cường giáp, nếu không được chữa trị đúng cách cũng có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm về tim mạch và khiến xương dễ gãy. Tuy nhiên, việc tăng cholesterol ở người bị hội chứng cường giáp cũng không đáng kể, nên nguy cơ xơ vữa động mạch ở những bệnh nhân bị hội chứng cường giáp là không cao. Nhưng với những phụ nữ mang thai mà kèm bị bệnh lý suy hay cường giáp thì có thể sinh non, sẩy thai..
Vậy nên khi đã phát hiện mình bị bệnh về tuyến giáp, bệnh nhân phải uống hormone liên tục kéo dài (để tăng hoặc để giảm) và phải chịu sự chi phối của lượng hormone này. Cụ thể, nếu bệnh nhân bị suy giáp, dù bẩm sinh hay mắc phải thì đều phải uống hormone tuyến giáp đến hết đời ( mỗi ngày một viên thyroxin ). Với bệnh nhân bị cường giáp phối hợp với bướu giáp thì phải sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp cho đến khi trở về bình giáp, thông thường là từ ba đến sáu tháng và sau đó tiến hành phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp. Nếu sau mổ, bệnh tiến triển tốt thì không cần phải uống thuốc. Trường hợp phải cắt toàn bộ tuyến giáp do ung thư tuyến giáp thì sau phẫu thuật, bệnh nhân phải uống hormone tuyến giáp đến hết đời, mỗi ngày một viên.
Vai trò của ẩm thực trong phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp rất là quan trọng, cần ăn đủ chất trong đó có iode. Tuy nhiên cũng không nên sử dụng nhiều iode quá, vì nếu hàm lượng iode tăng cao cũng dễ gây bướu giáp. Tránh ăn nhiều các thực phẩm có chất gây bướu giáp như: bắp cải, sữa đậu nành...
Nguồn tin: Minh Anh
Ý kiến khác