Ngáy, tại sao ngáy?
Ngáy là âm thanh xảy ra khi hơi thở bị ngăn trở trong lúc ngủ. Những âm thanh này do luồng không khí làm rung lưỡi gà và vòm khẩu mềm (nằm giữa thành họng và đáy lưỡi). Khoảng không của đường dẫn khí càng hẹp, càng dễ bị ngáy.
Theo thống kê ở độ tuổi 30, có 20% nam giới và 5% nữ giới bị ngủ ngáy. Nhưng tỷ lệ này tăng theo tuổi, ở độ tuổi 60, nam giới là 60%và nữ giới là 40%. Lý do này được giải thích là do khi lớn tuổi thì niêm mạc, mô mềm vùng hầu, khẩu cái, họng miệng – hạ họng, bị mềm nhão, ít đàn hồi nên dễ bị xẹp, gây hẹp, tắc đường thở khi hít vào.
Ở người mập tỷ lệ ngủ ngáy tăng gấp 3 lần so với người bình thường, đồng thời những người mập có tỷ lệ hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ tăng gấp nhiều lần, là do cổ ngắn, dư thừa mô, làm hẹp, tắc đường thở, đặc biệt khi nằm ngủ .
Ở trẻ em thường liên quan đến nguyên nhân viêm VA, amidan quá phát, béo phì hoặc vùng hàm – mặt, sọ mặt phát triển bất thường…
Ngáy – ngưng thở khi ngủ, biểu hiện của bệnh lý
Nếu âm thanh ngáy nhỏ, êm dịu, đều đều, không ảnh hưởng đến người xung quanh và giấc ngủ ngon, khi dậy thấy cơ thể khỏe, thoải mái… Ngược lại nếu ngủ ngáy to, có từng cơn tắc nghẽn ngừng thở, kèm rối loạn giấc ngủ, mơ hoảng, ngộp thở và nghẹn cổ không thở được… Đây là trường hợp ngủ ngáy bất thường và có thể liên quan tới hội chứng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp có liên quan đến giấc ngủ. Biểu hiện lâm sàng bằng những cơn ngừng thở từng lúc khi ngủ trong thời gian từ 10 giây trở lên, dẫn đến giảm nồng độ oxy trong máu, sau đó hoạt động hô hấp trở lại bình thường phối hợp với sự tỉnh thức ngắn. Cụ thể, bệnh nhân đang ngáy rất đều, tự nhiên im hẳn trên 10 giây, rồi bắt đầu thấy bệnh nhân cựa mình, sặc lên rồi ngáy tiếp, đó là dấu hiệu biểu hiện cơn ngừng thở; Trạng thái này làm bệnh nhân cảm thấy ngộp thở, ngột ngạt khi ngủ.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra các vấn đề gì?
Bệnh nhân than phiền về tình trạng nhức đầu, mệt mỏi vào buổi sáng, năng suất làm việc giảm sút, buồn ngủ hoặc ngủ gật ban ngày. Đây là một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Tính tình bệnh nhân bị thay đổi, dễ cáu gắt, dễ gây gỗ. Những bệnh nhân này còn có nguy cơ cao huyết áp, lên cơn đau tim và tai biến mạch máu não do thiếu oxy máu mỗi khi ngưng thở. Tình trạng này kéo dài có thể khiến oxy máu giảm, khí cacbonic bị ứ đọng gây suy hô hấp dù phổi vẫn bình thường…
Đặc biệt ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, ngáy – tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ kéo dài, do phải há miệng để thở gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hô hàm, mũi tẹt …
Tắc nghẽn gây thiếu oxy não, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, mơ hoảng, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, tinh thần và một số bệnh lý rối loạn tâm lý khác…
Những ai có thể bị Hội chứng ngưng thở khi ngủ?
Đối tượng nào cũng có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Các trường hợp mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ gặp cả cháu bé, thậm chí còn rất ít tuổi, thanh niên và người trung tuổi, người lớn tuổi. Trong đó, trẻ em hay gặp ở nhóm có liên quan bất thường đến căn nguyên tai – mũi - họng. Điều đáng quan tâm, đối tượng trẻ em thừa cân béo phì cũng rất lớn do tình trạng lười vận động, sử dụng thức ăn nhanh khá phổ biến. Thanh niên béo phì, thừa cân, người lớn tuổi tăng huyết áp... cũng dễ mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, nam giới thường xuyên hút thuốc lá; dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc an thần; phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh cũng là nhóm đối tượng nguy cơ.
Những việc cần làm khi bị Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hoặc bác sĩ chuyên gia về ngủ ngáy để đánh giá tổng quát thể trạng, cân nặng – chiều cao, BMI… Độ lớn của vòng cổ… Thăm khám và phát hiện những dấu hiệu, triệu chứng liên quan tới ngáy và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, cần thiết làm các test chuyên sâu như đa kí giấc ngủ để chẩn đoán xác định nguyên nhân và mức độ tắc nghẽn – ngưng thở.
Điều trị
Để điều trị ngáy, đầu tiên bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân, tránh sử dụng rượu, bia gần giờ đi ngủ, điều trị viêm, nghẹt mũi, ngủ đủ giấc và tránh nằm ngửa khi ngủ.
Đối với chứng ngáy do tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, tùy vào mức độ, thể trạng, bác sĩ có thể đề nghị một trong những phương cách sau:
Thiết bị dùng trong miệng: đó là khuôn răng vừa vặn, giúp nâng cao vị trí hàm, lưỡi và vòm miệng để giữ cho không khí đi qua.
Máy áp lực dương liên tục (CPAP): Bệnh nhân đeo mặt nạ áp lực trên mũi khi ngủ. Mặt nạ gắn liền với máy bơm không khí nhỏ qua đường thở, giúp không khí lưu thông liên tục.
Phẫu thuật loại bỏ các mô thừa, làm thoáng đường thở và giảm độ rung.
Lời khuyên của bác sĩ:
Chúng ta có thể kiểm soát bệnh này qua việc áp dụng các biện pháp sau:
Giảm cân: Những người thừa cân sẽ có các mô phụ trong họng dẫn đến ngáy. Vì vậy, giảm cân có thể giúp giảm ngáy.
Ngủ nghiêng: Nằm ngửa khiến lưỡi dễ rơi ngược vào cổ họng, làm hẹp đường thở và cản trở một phần không khí. Hãy thử ngủ nghiêng bằng cách nâng cao đầu giường khoảng 10 cm có thể giúp tư thế ngủ tốt hơn.
Trị viêm xoang hay tắc nghẽn mũi: Dị ứng hoặc vẹo vách ngăn có thể hạn chế không khí qua mũi, điều này buộc phải thở bằng miệng, làm tăng khả năng bị ngáy ngủ.
Hạn chế hoặc tránh uống rượu và thuốc an thần: Tránh uống đồ có cồn ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ và cho bác sĩ biết về chứng ngáy trước khi dùng thuốc an thần. Các thuốc này và rượu làm ức chế hệ thần kinh trung ương, khiến các cơ giãn quá mức, bao gồm các mô trong cổ họng.
Bỏ hút thuốc lá: Có thể làm giảm chứng ngáy cùng với nhiều lợi ích sức khỏe khác.
Ngủ đủ giấc: Người lớn nên ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm. Trẻ em ở những độ tuổi khác nhau sẽ có thời gian ngủ phù hợp với từng trẻ. Trẻ mầm non nên ngủ 11 đến 12 tiếng một ngày, trẻ tiểu học (7 – 12 tuổi) cần ít nhất 10 tiếng để ngủ và thiếu niên cần phải ngủ từ 9 -10 giờ một ngày.
Các bài viết về bệnh Tai Mũi Họng có thể bạn quan tâm.
Để được tư vấn và hỗ trợ khám Tai - Mũi - Họng, Quý khách vui lòng liên hệ:
cá độ online
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.biggben.com
Fb:
Youtube:
Nguồn tin: BVQT Minh Anh tổng hợp
Ý kiến khác