Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Ngoài ra thiếu i-ốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi...
I-ốt có sẵn trong thực phẩm thiên nhiên, nhưng hàm lượng thường không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, Tổ chức thế giới đã khuyến nghị sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày và trong chế biến thực phẩm là giải pháp tăng cường hiệu quả, kinh tế, và đã được sử dụng trên 100 nước khác nhau trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, với Chương trình Vận động toàn dân ăn muối i-ốt, ngành y tế đã kêu gọi mọi gia đình, mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tích cực sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày để không bị mắc các bệnh rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Muối i-ốt là muối thường được trộn i-ốt theo một hàm lượng cho phép, đảm bảo về chất lượng vệ sinh và hàm lượng i-ốt tiêu chuẩn. Muối i-ốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn, mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Lượng i-ốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người, người thiếu hoặc không thiếu i-ốt, kể cả người bệnh bướu giáp đơn thuần hay cường giáp.
Và ngày nay, do thay đổi tập quán trong nêm nếm, nấu ăn hàng ngày, trên thị trường còn có hạt nêm bổ sung i-ốt, giúp cộng đồng có thêm biện pháp phòng ngừa thiếu i-ốt một cách hiệu quả và bền vững.
Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối i-ốt và chế phẩm có i-ốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân - nhất là bà mẹ và trẻ em - nhằm đạt được mục tiêu phát triển sức khỏe của Việt Nam.
Nguồn tin: Minh Anh
Ý kiến khác