Người cao tuổi luôn là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt trong chăm sóc y tế nói chung và sử dụng thuốc nói riêng. Sự phức tạp trong sử dụng thuốc ở người cao tuổi liên quan chủ yếu đến giảm dòng máu tuần hoàn đến các cơ quan, dẫn đến thay đổi đáp ứng thuốc tại đích tác động. Bên cạnh đó, chức năng của các cơ quan trọng yếu như não, tim, thận, phổi đều giảm hoạt động, gây giảm nhận thức, giảm trí nhớ, giảm khả năng chuyển hóa, bài xuất thuốc.
Ngoài việc “lão hóa” về các chức năng sinh lý, đối tượng này còn có thể mắc nhiều bệnh kèm và cần phải sử dụng nhiều thuốc cùng một lúc. Vì vậy, người cao tuổi có nguy cơ cao chịu phải những vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc bao gồm thiếu tuân thủ điều trị, nguy cơ cao dễ mắc phải các phản ứng có hại (ADR) và các tương tác do thuốc dẫn đến giảm hiệu quả điều trị, giảm chất lượng sống. Tỷ lệ gặp ADR ở lứa tuổi 60-70 gấp đôi so với lứa tuổi 30-40. Các ADR gặp ở người cao tuổi nhiều lúc mơ hồ, không đặc hiệu; ví dụ như lú lẫn, trầm cảm, hạ huyết áp tư thế... có thể trùng lắp với triệu chứng của các bệnh lý mới xuất hiện hay tăng nặng, điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân được kê thêm thuốc không cần thiết để điều trị ADR (kê toa dây chuyền).
Một số tác dụng phụ do thuốc thường gặp ở người cao tuổi có thể đến như là:
- Dễ bị hạ huyết áp tư thế do các thuốc chống tăng huyết áp, thuốc chống Parkinson, thuốc chống loạn thần...
- Dễ bị té ngã do khả năng giữ thăng bằng tư thế của cơ thể bị giảm. Một số nhóm thuốc như thuốc ngủ, thuốc an thần... làm tăng tỉ lệ té ngã ở người cao tuổi.
- Suy giảm trí nhớ dẫn đến sa sút trí tuệ là bệnh lý thường gặp ở tuổi già. Bệnh lý này dễ bị trầm trọng thêm khi dùng các thuốc có tính kháng cholinergic mạnh như các thuốc kháng histamine thế hệ 1, thuốc ngủ, thuốc an thần, các thuốc điều trị trầm cảm.
- Do sự giảm nhu động dạ dày - ruột, người cao tuổi dễ bị táo bón. Các thuốc kháng histamin, các opioid (tramadol, codeine..), thuốc chống trầm cảm ba vòng dễ gây táo bón hoặc tắc ruột ở người cao tuổi. Thuốc kháng cholinergic có thể gây bí tiểu ở nam giới cao tuổi, đăc biệt là những người bị phì đại tuyến tiền liệt.
Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong điều trị cho người cao tuổi vẫn còn là vấn đề thách thức với nền y tế, đặc biệt là những bệnh nhân điều trị ngoại trú. Do đó, để giảm thiểu các tác hại do tác dụng phụ của thuốc và các tương tác thuốc, cũng như đảm bảo điều trị ở người cao tuổi, người nhà hoặc bản thân người bệnh cần chủ động trong việc sử dụng thuốc thông qua những việc sau:
- Thiết lập đầy đủ danh sách các thuốc đã và đang sử dụng, kể cả những thuốc có nguồn gốc thảo dược; kê khai đầy đủ tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng thuốc để bác sĩ có thể đánh giá toàn diện và đưa ra quyết định lựa chọn thuốc hợp lý.
- Không tự ý mua thêm thuốc theo toa cũ, việc tái khám định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị là cần thiết giúp bác sĩ có thể ra quyết định thay đổi liều hoặc thêm, bớt thuốc đang sử dụng.
- Không nên tự ý mua thêm thuốc sử dụng, kể cả những thuốc không kê toa; tham vấn các chuyên gia y tế về các tương tác thuốc có nguy cơ xảy ra nếu bệnh nhân đang sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc.
- Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong việc tuân thủ thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để được đơn giản hóa tối đa cách sử dụng thuốc, hoặc sử dụng các công cụ hỗ trợ như hộp phân liều theo ngày/ tuần.
- Nếu bệnh nhân gặp phải vấn đề về chi phí thuốc men, hãy liên hệ dược sĩ để được tư vấn về những thuốc generic với giá thành rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng điều trị.
Có thể bạn quan tâm
Ý kiến khác