Bệnh lý liên quan mật thiết đến thuốc lá, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Triệu chứng mơ hồ, nhưng nguy cơ tử vong rất lớn.
Nhân một lần đi làm phim được một bác sĩ tặng cuốn sách do ông viết. Cuốn sách chủ yếu đề cập đến các vấn đề y khoa, liên quan đến lĩnh vực bệnh tật cũng như công việc khám, chữa bệnh.
Các bài viết trong sách giúp cho tôi rất nhiều kiến thức nhằm phục vụ cho chương trình y tế trên một đài TH mà tôi đang đảm trách. Ngoài kiến thức, cuốn sách còn thể hiện rõ tâm huyết của một người thầy thuốc đối với sức khỏe cộng đồng, trong đó có bài mà tôi hết sức lưu ý vì đoạn văn thay lời kết bài như vầy:
“Nếu có thể, một ngày nào đó chúng tôi được phép mời các bạn đến tham quan ca mổ phình động mạch chủ bụng. Các bạn sẽ chứng kiến những giây phút đấu tranh rất căng thẳng để giành giật với tử thần sinh mạng của người bệnh. Trong mỗi thành công của người thầy thuốc đều có sự đóng góp không nhỏ của người bệnh và thân nhân. Qua những bài viết này, chúng tôi hy vọng các bạn sẽ hợp tác nhiều hơn nữa với các bác sĩ trong việc phát hiện bệnh phình động mạch chủ bụng, trong theo dõi diễn tiến của bệnh và trong việc thuyết phục bệnh nhân đồng ý điều trị bằng phẫu thuật”
Đoạn văn cho thấy phình động mạch chủ bụng là bệnh lý nguy hiểm có thể tử vong nếu không có sự can thiệp kịp thời, thế nhưng vì sao việc phẫu thuật để điều trị (để tránh cấp cứu, để tránh tử vong) lại là một việc cần phải thuyết phục ? Tất nhiên bài viết trong cuốn sách, tác giả đã giải bày. Còn ở đây, hôm nay, chúng ta hãy tìm hiểu căn bệnh này cũng như lời đáp cho câu hỏi trên qua cuộc trao đổi với PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, ĐH Y Dược TP. HCM và cũng là tác giả cuốn sách “Câu chuyện y khoa” ( xuất bản năm 2006) có bài viết mà tôi vừa đề cập.
+Thưa bác sĩ Hoài Nam, qua bài viết Những điều cần lưu ý với bệnh phình động mạch chủ bụng, bác sĩ còn cho biết nhà bác học thiên tài Albert Einstein cũng tử vong vì căn bệnh này…
BS Hoài Nam: Vâng, nhà bác học Einstein đã từng được điều trị bệnh phình động mạch chủ bụng vào năm 1949, hồi đó phương pháp điều trị chỉ là dùng chất Cellophane bao bọc xung quanh cổ túi phình. Vì thế, sáu năm sau, khi ông Einstein đang bận rộn viết bài phát biểu cho buổi xuất hiện trên truyền hình nhân kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Nhà nước Israel thì cơn bệnh tái phát, ông từ chối phẫu thuật và sau đó tử vong.
+Việc phẫu thuật để điều trị căn bệnh hiểm nghèo này lại khó chấp nhận đến vậy sao?
BS Hoài Nam: Không, câu chuyện từ chối phẫu thuật của ông Einstein nó mang một ý nghĩa khác. Khi được đưa tới bệnh viện ông đã ngõ ý với các bác sĩ rằng “Tôi muốn ra đi khi nào tôi muốn”, ông nói. “Thật vô vị khi kéo dài sự sống một cách giả tạo. Tôi đã làm xong bổn phận của mình, đã đến lúc phải đi. Tôi sẽ làm điều đó một cách thanh lịch”. Đó là ý nguyện của ông, của người biết đã đi đến cùng.
Bây giờ để đi sâu vào các ý mà bài đã nêu, chúng ta cần tìm hiểu động mạch chủ bụng là gì? và nguyên nhân gì nó lại có thể gây tử vong cho người ta như vậy?
Động mạch chủ bụng là phần động mạch chủ đi từ tâm thất trái, qua ngực ( động mạch chủ ngực), qua bụng ( động mạch chủ bụng ) rồi chia thành động mạch chậu trái và phải.
Ống động mạch được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp nội mạc, lớp áo giữa và lớp áo ngoài.
Tạo hóa đã ban cho cơ thể chúng ta những chất liệu tuyệt vời, động mạch cũng vậy, nó có độ thông thoáng, giãn nở mềm mại, bền bỉ để đưa máu đi nuôi khắp cơ thể… Tuy nhiên thời gian, tuổi tác đã làm nó suy yếu, và rất tiếc, khi lối sống của chúng ta đã tác động hết sức xấu vào nó, khiến tất cả các tính chất cần thiết cho sự duy trì ổn định nhanh chóng mất đi…
+Thưa bác sĩ, như vậy phình động mạch chủ là do sự giãn bất thường…?
BS Hoài Nam: Đúng vậy, đường kính trung bình của động mạch chủ bụng của phụ nữ là 1,9cm, của đàn ông là 2,2cm, đây là nói về người Việt Nam. Động mạch chủ được gọi là phình khi đường kính trên 3cm, tới 4cm là phình rõ và trên 5cm là phình lớn có chỉ định mổ, nếu không sẽ bị vỡ đột ngột và tử vong.
Tần suất mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ với tỷ lệ là 4/1. Và tuổi càng lớn thì nguy cơ cũng tăng theo. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy ở độ tuổi từ 60 trở lên có ít nhất là 5% bị phình động mạch chủ bụng và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 10 ở nam giới trên 55 tuổi.
+Vâng đó cũng nằm trong quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử”…
BS Hoài Nam: Rất tiếc, thời gian, tuổi tác chỉ góp phần thôi. Những nghiên cứu gây đây cho thấy, bệnh nhân phình động mạch chủ bụng cao gấp 8 lần ở nhóm hút thuốc lá so với nhóm không hút thuốc. Trong số phình động mạch chủ bụng có đến 40% bệnh nhân bị cao huyết áp và nguyên nhân do xơ vữa động mạch chiếm 95%.
+Như vậy ngoài tuổi tác, bệnh liên quan mật thiết đến rối loạn chuyển hóa. Dinh dưỡng không phù hợp, lối sống thụ động, không lành mạnh như hút thuốc lá, thừa cân, béo phì… Đây là các đối tượng nguy cơ, cần cảnh giác. Vậy dấu hiệu để có thể nhận biết bệnh này là gì thưa bác sĩ?
Bs Hoài Nam: Khoảng 2/3 số bệnh nhân của chúng tôi nhập viện vì một bệnh lý khác, hoặc phát hiện bệnh rất tình cờ do đi khám một bệnh hoàn toàn không liên quan gì đến bệnh mạch máu. Khi khám bụng bác sĩ sờ thấy có một khối u, đập theo nhịp tim; hoặc trong lúc siêu âm bụng, phẫu thuật bụng mà phát hiện ra. Những trường hợp này gọi là thể-không-triệu-chứng của phình động mạch chủ bụng. Chính vì không có hay rất ít có triệu chứng như vậy nên bệnh nhân rất chủ quan và chưa hiểu hết tác hại của bệnh. Thuyết phục bệnh nhân và gia đình đồng ý phẫu thuật là một việc hết sức khó khăn với bác sĩ, đôi khi còn khó khăn hơn cả cuộc mổ ( cười ).
+À, vâng, đây là câu giải đáp cho những thắc mắc mà tôi đã nêu ở đầu bài. Ví như bom hẹn giờ, chỉ là những kêu tíc tíc nho nhỏ, nhưng sau đó là nổ tung, cũng vậy bệnh phình động mạch chủ bụng nguy hiểm chết người, nhưng do không có triệu chứng, hoặc triệu chứng mơ hồ, cho nên đề nghị bệnh nhân trải qua một ca phẫu thuật là khó…Thưa bác sĩ, vậy để bệnh nhân nhận biết và chấp nhận điều trị thì thế nào đây?
BS Hoài Nam: Triệu chứng thường diễn ra ở bệnh này là đau bụng. Đau từ thượng vị và đau lan ra sau lưng, đôi khi xuống mông hoặc bẹn, làm nhiều người tưởng là đau dạ dày và tự đi mua thuốc về uống nhưng lúc đỡ, lúc không. Nếu đau đột ngột tăng lên hoặc đau dồn dập phải coi chừng khả năng vỡ của túi phình. Ngoài ra còn một số triệu chứng nữa nhưng dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như: tình trạng thiếu máu mạn tính chi dưới, hoại tử đầu chi, vọp bẻ, tắc động mạch nuôi chi cấp tính…
Quan trọng nhất là sự xuất hiện khối u ở bụng, và sờ vào thấy nó đập mạnh theo nhịp mạch. Tuy nhiên cần phải chú ý trường hợp bệnh nhân bị hẹp môn vị, dạ dày căng to cũng tạo cho ta cảm giác giống vậy.
Mơ hồ, nhưng nếu chú ý và quan tâm đến sức khỏe của mình, qua các thăm khám định kỳ, sẽ có thể được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
+Thưa bác sĩ, việc điều trị phình động mạch chủ bụng sẽ được chỉ định như thế nào để tránh nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm?
BS Hoài Nam: Một số bệnh nhân, phình động mạch chủ bụng tăng kích thước 10%/năm. Số phình mạch khác tăng lên theo cấp số nhân mà không rõ lý do, và khoảng 20% khối phình kích thước không đổi vô thời hạn.
Đầu tiên bệnh nhân cần phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch, đặc biệt là ngừng hút thuốc và sử dụng thuốc hạ huyết áp thích hợp là rất quan trọng, kèm theo đó là theo dõi sát sao diễn tiến của túi phình. Nếu phình động mạch nhỏ hoặc vừa tăng kích thước > 5,0 đến 5,5 cm và ước tính nguy cơ biến chứng quanh phẫu thuật thấp hơn nguy cơ vỡ, thì can thiệp sửa chữa phình động mạch chủ được chỉ định. Việc sửa chữa này là phẫu thuật lấy đi toàn bộ túi phình và thay vào đó là một đoạn động mạch nhân tạo.
Trong trường hợp túi phình bị vỡ, việc chỉ định mổ cấp cứu là bắt buộc, tuy nhiên nếu bệnh nhân bị vỡ trong bệnh viện, việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời có thể giúp cho phẫu thuật viên cứu sống được bệnh nhân. Những trường hợp vỡ tại nhà do phát hiện trễ, thời gian chuyển viện kéo dài, nên bệnh nhân thường vào bệnh viện trong tình trạng rất nặng, mạch nhanh, huyết áp hạ. Trong trường hợp như vậy chúng tôi vừa phải bơm máu qua đường động mạch. Vừa mổ, vừa bơm nhưng chỉ cứu sống chừng 50% số bệnh nhân là tối đa.
+ Điều kết luận ở cuộc trao đổi hôm nay vẫn là cần nhận thức và quan tâm đến căn bệnh này, thứ nhất đây là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong, triệu chứng lại mơ hồ. Thứ hai, tự mình phải biết tránh các yếu tố nguy cơ, khám sức khỏe tổng quát định kỳ và thứ ba, nếu như bản thân đã ở vùng nguy cơ thì cần loại bỏ những yếu tố nguy cơ có thể loại bỏ được, đồng thời việc tầm soát, kiểm tra sức khỏe phải được coi trọng…
BS Hoài Nam: Vâng, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh ngày nay có thể phát hiện những vấn đề ở mạch máu, mà cụ thể ở đây là phình động mạch chủ bụng. Siêu âm doppler màu, CT hoặc MRI có thể chần đoán xác định giúp chúng ta phát hiện sớm và điều trị tốt.
Xin cám ơn PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam đã tham dự cuộc trao đổi này, và hy vọng sẽ gặp lại bác sĩ với những đề tài hữu ích sắp tới.