Loãng xương là gì ?
Loãng xương được định nghĩa là một bệnh lý mà sức chịu đựng của xương bị suy giảm dẫn đến gia tăng nguy cơ gãy xương. Sức chịu đựng của xương phụ thuộc vào khối lượng và cấu trúc xương. Do đó, khi khối lượng xương bị suy giảm và cấu trúc xương bị suy thoái sẽ dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Dấu hiệu
Quá trình suy giảm xương diễn ra một cách âm thầm, hoàn toàn không có triệu chứng. Chỉ đến khi xương bị gãy, và nhiều trường hợp bệnh nhân bị gãy xương không có triệu chứng hiển nhiên, thì lúc đó mới biết loãng xương. Chính vì đặc tính này mà bệnh loãng xương được ví von là "căn bệnh âm thầm".
Ngoài ra, loãng xương khiến xương ở cột sống bị xẹp. Biểu hiện của tình trạng này bao gồm có cơn đau lưng cấp (xẹp đốt sống gây chèn ép tổn thương rễ thần kinh), giảm chiều cao, dáng đi khom và gù lưng ( giải thích vì sao người lớn tuổi chiều cao bị giảm và lưng hay bị khòm)
Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
Loãng xương là hậu quả của quá trình tạo xương bị giảm đi, trong khi quá trình hủy xương lại tăng lên.
Khối lượng xương của chúng ta biến chuyển theo độ tuổi. Ở tuổi thiếu niên, mật độ xương tăng nhanh, và đạt mức độ đỉnh ở tuổi 20-30. Đến độ tuổi 40-45, mật độ xương bắt đầu suy giảm nhẹ. Đến thời kì sau mãn kinh, mật độ xương suy giảm nhanh, và đây là thời gian nguy hiểm vì xương bị loãng và dễ bị gãy khi va chạm.
Dựa vào nguyên nhân, loãng xương có thể phân thành hai loại:
1. Loãng xương tiên phát. Đây là dạng thoái hóa xương theo tuổi, là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi.
2. Loãng xương thứ phát, là loãng xương do các yếu tố nguy cơ, làm nặng thêm tình trạng loãng xương do tuổi, có thể xảy ra với người trẻ.
Các yếu tố nguy cơ như: kém phát triển thể chất từ nhỏ, ít hoạt động hoặc bất động, phụ nữ sinh nở nhiều, mắc các bệnh mạn tính đường tiêu hóa, các bệnh nội tiết (bệnh tuyến giáp, bệnh đái tháo đường…), bị suy thận mạn, bệnh xương khớp mạn tính hoặc sử dụng một số thuốc như corticoid, insulin. Và đặc biệt hút thuốc lá và lạm dụng bia rượu cũng làm thúc đẩy quá trình giảm mật độ xương gây loãng xương.
Các vấn đề gây ra do loãng xương
Hệ quả của loãng xương là gãy xương. Hầu hết xương trong cơ thể đều có thể bị gãy do loãng xương, trong đó những xương thường bị gãy, bao gồm xương đùi (và cổ xương đùi), xương cột sống, xương tay, xương chậu, xương sườn. Bệnh nhân bị gãy xương lần đầu có nguy cơ rất cao bị gãy xương lần thứ hai, thứ ba, và tử vong. Gãy xương trên bệnh nhân loãng xương sẽ khó điều trị hơn người có bộ xương khỏe mạnh.
Điều trị loãng xương
Loãng xương có thể cải thiện bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp và lối sống lành mạnh (thể dục thể thao, tránh rượu bia, thuốc lá, kiểm soát cân nặng...), và khi đã được chỉ định điều trị bằng thuốc đặc hiệu, bệnh nhân cần kiên trì, vì cải thiện mật độ xương và chất lượng xương sẽ diễn ra chậm.
Bệnh loãng xương và phòng ngừa
Nên lưu ý giai đoạn trước tuổi 40 cần cung cấp đầy đủ calci trong chế độ ăn uống, cố gắng nâng cao tối đa khối lượng xương đỉnh, khối lượng xương đỉnh càng cao, càng làm chậm sự xuất hiện chứng loãng xương. Người già, người trung niên có thể bổ sung calci hoặc liệu pháp thay thế estrogen để làm giảm quá trình mất chất của xương, nhưng không thể giúp xương phục hồi được. Để trì hoãn xuất hiện bệnh loãng xương, nên bắt đầu từ chế độ ăn hàng ngày và tập thể dục đều đặn.
1. Luyện tập phù hợp
Tập thể dục thích hợp giúp tăng sức mạnh cơ bắp và sức chịu đựng, cải thiện tuần hoàn máu, tăng lưu lượng máu xương và nâng cao sức chịu đựng của xương, giúp giảm thiểu tốc độ mất calci của xương.
Nên tham gia các hoạt động ngoài trời, đón ánh nắng mặt trời thích hợp. Tia cực tím của mặt trời có thể làm cho tiền chất dưới da chuyển hóa thành vitamin D, vitamin D thúc đẩy sự hấp thu calci, vì thế thiếu vitamin D có thể làm tăng khả năng thiếu calci.
2. Chế độ ăn uống cân bằng
Để tăng hàm lượng calci trong khẩu phần ăn nên uống sữa, dùng các chế phẩm từ sữa hoặc ngũ cốc các loại; Các thực phẩm giàu calci như cải bắp, rau diếp, tôm tép, rong biển, vừng (mè) v.v…
3. Tránh uống quá nhiều rượu, hút thuốc lá hoặc uống nhiều trà và cà phê
Lạm dụng rượu sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu calci. Hút thuốc hoặc uống nhiều trà hoặc cà phê cũng thúc đẩy sự mất calci, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng xương.
Việc phòng ngừa loãng xương, không chỉ thực hiện ở tuổi trung niên mà cần quan tâm ngay khi còn trẻ, trong đó dinh dưỡng phù hợp và đặc biệt năng vận động là biện pháp tốt nhất để tránh gặp vấn đề loãng xương cho tương lai.
Nguồn tin: Minh Anh
Ý kiến khác