Đau nhức âm ỉ vai và cánh tay - coi chừng hội chứng chóp xoay vai
- Thứ năm - 05/12/2019 08:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chóp xoay vai là một nhóm các cơ và gân cơ xung quanh khớp vai, có nhiệm vụ giữ cho chỏm xương cánh tay vững chắc khi thực hiện vận động vùng vai và cánh tay. Thử tưởng tượng vùng vai giống như chiếc cầu treo, thì chóp xoay giống như hệ thống cáp dây văng, giúp nâng đỡ, treo chỏm xương cánh tay áp vào ổ khớp vai vốn rất nông. Không có chóp xoay vai, chúng ta không thể có một khớp vai vừa vững vàng vừa linh hoạt.
Bệnh lý chóp xoay vai thường gặp ở những người thường xuyên chơi các môn thể thao dùng tay nhiều, làm các động tác giơ tay quá đầu, hay vận động cánh tay khi làm việc liên tục như: vận động viên thể thao cầu lông, bóng chuyền, thợ may, tài xế lái xe, họa sĩ, diễn viên múa,… Nhóm đối tượng từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do quá trình thoái hóa của cơ thể.
Không khó để có thể nhận biết tình trạng chấn thương chóp xoay vai thông qua nhiều dấu hiệu nhận biết cụ thể, trong đó có thể kể đến một số triệu chứng như sau:
- Có cảm giác đau nhức khó chịu, đau âm ỉ hoặc đau dai dẳng kéo dài sâu bên trong khớp.
- Các hoạt động đưa cánh lên cao hơn đầu hoặc ra phía sau thực hiện khó khăn, thường kèm theo tình trạng đau nhói, đau dữ dội.
- Đau tăng khi vận động mạnh, vào lúc chiều tối hoặc sáng sớm khi vừa ngủ dậy, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý người bệnh.
- Không thể nằm nghiêng qua phía bên vai bị đau nhức, ngay cả việc nằm ngửa cũng có thể làm đau chóp xoay vai, gây mất ngủ, chán ăn.
- Vai có dấu hiệu sưng đỏ, nóng rát, đôi khi gây đau cả cánh tay hoặc lan sang phần gáy.
- Lực cánh tay yếu dần, không thể nâng hoặc vác được các vật nặng.
Chóp xoay vai tổn thương khiến gân cơ bị rách hoặc sưng viêm có thể phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng vận động khớp vai, cũng như cánh tay của người bệnh. Do đó, bệnh cần được thăm khám và điều trị từ sớm.
Về điều trị, căn cứ vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Điều trị nội khoa, được áp dụng cho hầu hết các trường hợp bị rách chóp xoay vai. Để giảm sưng đau và chống viêm, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng các loại thuốc kháng viêm và giảm đau không steroid. Ngoài ra, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ sau:
- Chườm lạnh: Đây là biện pháp đơn giản nhưng có tác dụng giảm đau và sưng rất tốt. Bệnh nhân có thể lấy đá bọc vào 1 miếng vải mỏng và chườm lên khu vực bị đau 10- 20 phút.
- Vật lý trị liệu: Giúp làm tăng sức mạnh của các cơ quanh khớp vai và phục hồi chức năng vận động của khớp. Biện pháp này còn có tác dụng giảm đau cho khớp vai bị tổn thương. Thông thường bệnh nhân phải cần đến 1 tháng luyện tập để phục hồi sức cơ như ban đầu.
- Tiêm vào khớp vai: việc tiêm trực tiếp thuốc vào vùng khớp vai thường có tác dụng giảm đau hiệu quả, tuy nhiên chỉ điều trị triệu chứng và không thể giúp phục hồi vận động vùng vai nếu đã có tổn thương rách lớn, ảnh hưởng chức năng.
Phẫu thuật rách chóp xoay vai thường được chỉ định khi phương pháp điều trị nội khoa không đạt hiệu quả hoặc bệnh nhân bị rách hoàn toàn chóp xoay vai. Mục đích của phẫu thuật là để làm giảm áp lực và phục hồi chóp xoay vai.
Như vậy cách điều trị rách xoay khớp vai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kích thước, hình dạng và vị trí rách. Bệnh nhân cần dùng thuốc đủ liều lượng bác sĩ đã chỉ định. Song song đó cần luyện tập theo đúng hướng dẫn để khớp vai mau phục hồi, trả lại khả năng vận động bình thường.
Các bài viết về bệnh lý cơ xương khớp có thể bạn quan tâm
Để được tư vấn và hỗ trợ khám chuyên khoa cơ xương khớp, Quý khách vui lòng liên hệ:
cá độ online
Số 36 Đường số 1B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM
Điện thoại: (028) 62600818 - 62600848
Web: minhanhhospital.biggben.com
Fb: